10 điều bạn cần biết trước khi mua CPU Intel Arrow Lake - Core Ultra 200S
-
Người viết: Sebastian
/
CPU dành cho máy tính để bàn mới của Intel khác hoàn toàn so với những CPU Intel mà bạn từng biết.
Dưới đây là 10 điều quan trọng mà bạn cần biết về dòng CPU Core Ultra 200S của Intel.
1.Những cái tên mới cho một kỷ nguyên mới
Năm ngoái, Intel đã thay đổi hệ thống đặt tên cho dòng vi xử lý Core của mình, loại bỏ ký hiệu “i” trước các số 3, 5, 7 và 9 và không còn nhắc đến thế hệ của vi xử lý. Họ cũng bổ sung từ “Ultra” cho các CPU có đồ họa Arc và Bộ xử lý thần kinh (NPU) hỗ trợ các tác vụ dựa trên AI, đồng thời thiết lập lại hệ thống đánh số, bắt đầu từ các con số hàng trăm.
Thay đổi này lần đầu tiên được áp dụng cho dòng CPU laptop Meteor Lake vào cuối năm 2023. Với sự ra mắt của Arrow Lake, đây là lần đầu tiên chúng ta thấy hệ thống đặt tên mới trên các CPU máy tính để bàn — một thay đổi lớn sau hơn một thập kỷ sử dụng phong cách đặt tên cũ. Intel cũng chọn bắt đầu đánh số Arrow Lake từ dải 200, dù là thế hệ đầu tiên trên máy tính để bàn — có thể là để đồng nhất kiến trúc của laptop và máy tính để bàn từ cùng một năm. (Lunar Lake, vừa ra mắt trên laptop vào tháng 9 năm 2024, cũng đặt tên các bộ xử lý với số bắt đầu từ dải 200.)
Dưới đây là năm mẫu CPU trong dòng Core Ultra 200S mới, bao gồm hai biến thể không có đồ họa tích hợp, được biểu thị bằng ký hiệu “F” (quy ước này vẫn giữ nguyên như trước):
- Intel Core Ultra 9 285K: 24 cores (8 P-cores, 16 E-cores, 5.7GHz max); 4 GPU cores, 13 TOPS NPU, $589
- Intel Core Ultra 9 265K: 20 cores (8 P-cores, 12 E-cores, 5.5GHz max); 4 GPU cores, 13 TOPS NPU, $394
- Intel Core Ultra 9 265KF: 20 cores (8 P-cores, 12 E-cores, 5.5GHz max); 0 GPU cores, 13 TOPS NPU, $379
- Intel Core Ultra 9 245K: 14 cores (6 P-cores, 8 E-cores, 5.2GHz max); 4 GPU cores, 13 TOPS NPU, $309
- Intel Core Ultra 9 245KF: 14 cores (6 P-cores, 8 E-cores, 5.2GHz max); 0 GPU cores, 13 TOPS NPU, $294
2. Hyperthreading lại bị loại bỏ
Intel là công ty đầu tiên giới thiệu công nghệ hyperthreading, cho phép mỗi lõi CPU chạy hai luồng (bộ tập hợp các lệnh) cùng lúc, thay vì chỉ một luồng trên mỗi lõi vật lý. Tuy nhiên, trong vài năm gần đây, Intel đã nhiều lần loại bỏ công nghệ này, và với Arrow Lake, tính năng này lại một lần nữa bị gạt bỏ.
Intel gần đây đã giải thích rằng họ loại bỏ hyperthreading trên Arrow Lake nhằm cải thiện hiệu quả về điện năng và không gian — nghĩa là tối ưu hóa mức điện năng mà chip tiêu thụ và không gian mà các thành phần có thể tích hợp vào gói vi xử lý.
Do đó, số lượng lõi mà bạn thấy trên CPU Core Ultra 200S là số lượng thực, không có thêm luồng nào. Tuy vậy, số lượng lõi hiệu năng Lion Cove (P-cores) và lõi tiết kiệm năng lượng Skymont (E-cores) trong Arrow Lake vẫn rất đáng kể. Chip đầu bảng Core Ultra 9 285K vẫn có tới 24 lõi, bao gồm 8 P-core và 16 E-core.
3. Cải thiện hiệu suất cho nhà sáng tạo nội dung
Hiệu năng của Arrow Lake sẽ là một chủ đề nhạy cảm đối với những người đam mê công nghệ chip, khi đã quen với những bước tiến lớn trong vài năm qua. Điều đó trước đây có thể đạt được nhờ mức tiêu thụ điện năng cao — các vi xử lý hàng top như i9-13900K/14900K trước đây thường được thiết lập mặc định ở chế độ ép xung. Intel đã đi ngược lại những gì họ đã làm với CPU thế hệ trước và đó cũng chính là điểm nổi bật của dòng Core Ultra 200S -- hiệu quả về điện năng, điều mà Intel nhấn mạnh như một lợi thế.
Với thay đổi này, Arrow Lake đã mang đến mức hiệu suất tốt hơn cho các nhà sáng tạo, nhưng lại không đủ lớn để thuyết phục hầu hết các chủ sở hữu Core i9-14900K nâng cấp ngay lập tức.
Trong các bài benchmark hiệu suất render và encoding, Core Ultra 9 285K liên tục dẫn trước 14900K, với mức cải thiện từ 2 đến 21% tùy thuộc vào tác vụ. Nó cũng vượt qua Ryzen 9 9950X, ngoại trừ một số bài kiểm tra trong DaVinci Resolve, nơi 285K thua nhẹ cả hai CPU đời cũ.
4. Nhưng chơi game lại không quá nổi bật
Người dùng luôn mong muốn CPU mới sẽ có hiệu năng vượt trội so với CPU của thế hệ củ và của cả đối thủ — đối với cộng đồng game thủ, Core Ultra 9 285K có thể gây chút thất vọng. Trong một số trò chơi, nó thua 14900K một chút và để 9950X vượt qua khá xa, thậm chí có lúc còn thua cả Ryzen 7 7700X.
Trong Cyberpunk 2077, 9950X duy trì khoảng cách 18% so với 285K, tương tự trong F1 2023 và Rainbow Six Siege. 285K chỉ thực sự vượt trội trong bài kiểm tra 3DMark Steel Nomad, một bài kiểm tra giả lập trò chơi có yêu cầu hệ thống cao ở độ phân giải 4K.
Ngay cả khi kết hợp với bộ nhớ CU-DIMM nhanh hơn và hiệu suất cao hơn (thay vì DDR5), hiệu suất chơi game cũng không cải thiện là bao — trong F1 2023, chúng tôi thấy tốc độ khung hình tăng lên 410, tức là tăng khoảng 7%. Điều này đã giúp thu hẹp khoảng cách giữa 285K và 9950X, nhưng 9950X vẫn giữ vị trí dẫn đầu.
Không phải 285K là một con chip tồi cho việc chơi game, nhưng nó cũng không đủ để gây ấn tượng mạnh. Intel đã khá rõ ràng về hiệu suất gaming của Arrow Lake, nhưng có thể sẽ vẫn gặp nhiều chỉ trích trên các diễn đàn trực tuyến.
5. Hiệu suất sử dụng năng lượng có cải tiến, nhưng...
6. Windows chưa tối ưu tốt cho Intel Core Ultra 200S
Người dùng máy tính để bàn thường không để ý nhiều đến cài đặt năng lượng trên Windows, bởi chúng ít quan trọng khi máy luôn được cắm điện.
Tuy nhiên, chúng tôi đã thử nghiệm mức tiêu thụ điện năng của 285K trên các chế độ năng lượng khác nhau của Windows 11 và phát hiện hiệu năng của nó giảm rõ rệt trên các chế độ Balanced và Power Saver.
Trong thử nghiệm đơn nhân của Cinebench 2024, 285K chậm đáng kể khi hoàn thành xong tác vụ, kéo dài tới 30 phút trên chế độ Balanced, trong khi trên chế độ High Performance chỉ mất khoảng 10 phút (một kết quả hợp lý với chip máy tính để bàn đầu bảng). Đáng chú ý, 14900K và 9950X hoàn thành nhiệm vụ nhanh hơn, mặc dù bắt đầu muộn hơn 15 phút so với 285K.
Thêm vào đó, điểm số cuối cùng cho thấy 285K giảm 55% hiệu suất so với 14900K và 9950X trên cùng chế độ Balanced, và còn giảm đến 67% trên chế độ Power Saver.
Trong khi đó, ở chế độ High Performance, 285K thực sự vượt trội hơn thế hệ trước khoảng 5% và hơn 9950X khoảng 2%. Kết quả này khá bất ngờ, nhất là khi chúng tôi đo mức tiêu thụ điện năng và thấy không có sự tiết kiệm đáng kể giữa các chế độ năng lượng.
Điều này có thể có nghĩa là chip mới của Intel bị ảnh hưởng bởi các cài đặt năng lượng? Có khả năng là vậy, đặc biệt khi chế độ Balanced là mặc định trong Windows. Thời gian sẽ trả lời liệu vấn đề này có thể được khắc phục thông những bản update Windows sau này không ?
7. Thiết kế chip của Intel được đổi mới
Arrow Lake đại diện cho một sự thay đổi lớn trong thiết kế chip của Intel so với dòng Raptor Lake-R thế hệ thứ 14.
Trước đây, Intel đã phát hành các bộ xử lý monolithic (nguyên khối) cho máy tính để bàn, nơi mọi thành phần liên quan đến CPU đều tồn tại trên một vi mạch đơn. Tuy nhiên, từ đời Arrow Lake trở đi, Intel đã chuyển sang thiết kế chiplet, một bước đi mà đối thủ AMD đã thực hiện từ vài năm trước.
Intel gọi Arrow Lake là bộ xử lý “rời rạc” (disaggregated), trong đó các chiplet (“tiles”) riêng biệt cho các chức năng khác nhau được kết nối lại thành một gói duy nhất. Khi mở lớp ngoài của một bộ xử lý Arrow Lake, bạn sẽ thấy các chiplet cho tính toán, GPU, SOC, và I/O, cùng với một chiplet “filler” và “base” để tăng độ ổn định. Công nghệ Foveros của Intel kết nối tất cả các chiplet này lại với nhau. Mỗi chiplet được sản xuất trên các quy trình công nghệ khác nhau.
Đối với những người đam mê công nghệ chip, sự thay đổi này đánh dấu một bước ngoặt lớn của Intel, công ty trước đó đã ưu tiên thiết kế vi mạch đơn lẻ vì hiệu suất tốt hơn. Đối với hầu hết người dùng phổ thông, điều quan trọng hơn là cách Intel phải cân nhắc bố trí các thành phần trên cùng một bộ xử lý.
8. Bạn sẽ cần phải mua một chiếc mainboard mới
Intel Arrow Lake yêu cầu một socket mới là LGA 1851, đồng nghĩa với việc bo mạch LGA 1700 hiện tại sẽ không tương thích với các CPU mới. Chipset đầu tiên sẽ là Z890, hỗ trợ tối đa 192GB RAM DDR5-6400 (tối đa 48GB mỗi DIMM). Bạn có thể sử dụng các module SO-DIMM thông thường hoặc là các module CU-DIMM mới có hiệu năng và tính ổn định cao hơn.
Về khả năng kết nối, các chipset dòng 800 của Intel cung cấp tối đa 24 làn PCI-e 4.0, 10 cổng USB 3.2, 14 cổng USB 2.0 và 8 cổng SATA 3.0. Khi kết hợp với CPU Arrow Lake, hệ thống sẽ có tối đa 48 làn PCIe, trong đó có 20 làn PCIe 5.0. Ngoài ra dòng chipset mới này cũng được tích hợp cổng Thunderbolt 4 và Thunderbolt 5, các công nghệ như Thunderbolt Share (chia sẻ màn hình, thiết bị ngoại vi, lưu trữ và tệp tin với máy tính khác), Intel Killer Wi-Fi 7, Bluetooth 5.4 và Ethernet 2.5Gbps (tùy thuộc vào cấu hình).
9. RAM DDR5 và bộ tản nhiệt hiện tại vẫn sử dụng được
Dù có thể kết hợp Arrow Lake với bộ nhớ CU-DIMM, DDR5 RAM vẫn tương thích tốt với bộ xử lý Core Ultra 200S và sẽ là lựa chọn phổ biến hơn, nhất là khi CU-DIMM chưa được bán rộng rãi cho đến đầu năm tới.
Nếu bạn đang sử dụng bộ tản nhiệt tương thích với các bộ xử lý thế hệ 13 hoặc 14, chúng vẫn có thể hoạt động với Arrow Lake.
10. Không có cải tiến về AI
Nếu bạn hy vọng rằng sự ra đời của những con chip Arrow Lake sẽ mở ra một cơ hội để bạn có thể sử dụng các tính năng AI mới trên Windows 11 như là : tạo sinh bằng AI và tính năng Recall, bạn có thể sẽ thất vọng. Các bộ xử lý này chỉ được Intel tích hợp NPU cũ với hiệu suất vỏn vẹn 13 TOPS, dưới ngưỡng 40 TOPS mà Microsoft yêu cầu để kích hoạt các tính năng AI như Copilot+ trong Windows 11.
Intel có thể là muốn làm hài lòng các game thủ, vì họ chiếm số đông trong nhóm những người thường hay nâng cấp CPU sau mỗi năm, còn đây là một chiến lược đúng hay sai thì thời gian sẽ trả lời.