Đến năm 2029, Arm sẽ chiếm 50% thị trường chip Windows PC

Đến năm 2029, Arm sẽ chiếm 50% thị trường chip Windows PC


Rene Haas, CEO của Arm, dự đoán thị phần chip của công ty trên máy tính Windows sẽ đạt hơn 50% trong 5 năm tới.


Với sự thúc đẩy của Qualcomm và Microsoft, Arm - công ty nổi tiếng với kiến trúc chip trên thiết bị di động - đang đẩy mạnh sự hiện diện trên thị trường PC. Reuters đưa tin ông Haas đã đưa ra dự đoán táo bạo rằng đến năm 2029, hơn 50% người dùng PC chạy hệ điều hành Windows sẽ sử dụng chip dựa trên kiến trúc Arm thay vì vi xử lý x86.

x86 của Intel đang thống trị thị trường PC, trong khi Arm cũng đã tham gia vài năm nhưng chưa tạo dấu ấn đáng kể. Tuy nhiên, mọi thứ được cho là đang thay đổi sau khi Qualcomm ra mắt của Snapdragon X Elite và X Plus Arm SoC cuối năm 2023. Trong khi đó, Microsoft cũng đang nỗ lực hỗ trợ các nhà phát triển chuyển đổi ứng dụng của mình để tương thích với thiết bị dùng chip Arm cho Windows.

 

Smartphone hiển thị logo Arm. Ảnh: Reuters

Smartphone hiển thị logo Arm. Ảnh: Reuters

 

Rene Haas cho biết Qualcomm là hãng đầu tiên thiết kế chip Arm cho Windows, và các nhà cung cấp khác sẽ sớm thực hiện theo. Tại sự kiện Computex 2024 đang diễn ra ở Đài Loan, Cristiano Amon, CEO Qualcomm, cho rằng dự đoán của Arm là khả thi.

Tuy nhiên, theo Tom's Hardware, tỷ lệ 50% vẫn là một thử thách lớn. Điều này đòi hỏi các mẫu PC Copilot+ với chip Arm bên trong, mới bắt đầu có mặt trên thị trường, sẽ phải trở thành sản phẩm ăn khách trong 5 năm tới. Trong khi đó, người tiêu dùng ngày nay có xu hướng sử dụng máy tính trong thời gian dài, trung bình 5-7 năm, mới tính đến chuyện nâng cấp thiết bị.

 

Microsoft debuts Copilot+ PCs with AI features - TechCentral

Microsoft ra mắt PC Copilot+ có tính năng AI

 

Arm có nguồn gốc từ công ty Acorn của Anh và được SoftBank mua lại với giá 31 tỷ USD vào năm 2016. Không như các công ty sản xuất chip xử lý khác như AMD, Intel, Motorola hay Hitachi, Arm chỉ cung cấp kiến trúc thiết kế thay vì tạo CPU, GPU hoàn chỉnh. Kiến trúc Arm được nhiều công ty bán dẫn trên thế giới mua bản quyền, trong đó có Apple, Samsung, Qualcomm.