Hướng dẫn chọn cho bản thân một chiếc màn hình gaming ưng ý

Hướng dẫn chọn cho bản thân một chiếc màn hình gaming ưng ý

Khi bạn chuẩn bị mua màn hình gaming, có quá nhiều thông số mà bạn phải cân nhắc và so sánh, và trong bài viết này mình sẽ tổng hợp các tính năng đặc trưng của màn hình gaming để các bạn có thể dễ dàng chọn một chiếc màn hình phù hợp với bản thân nhất.

 

Điều đầu tiên chúng ta luôn phải cân nhắc trước khi tìm mua một món đồ đó là giá thành của sản phẩm, và hiện giờ giá thành của các màn hình gaming cũng đã trở nên rất dễ tiếp cận, chỉ từ 5 triệu đồng trở lên là bạn đã có một chiếc màn hình xịn xò để tryhard leo rank cùng nhóm bạn hay là đắm chìm vào những tựa game bom tấn AAA rồi.

 

Tỉ lệ và kích thước.

Hiện nay có rất là nhiều tỉ lệ màn hình khác nhau từ những tỉ lệ phổ thông như 16:9, 16:10, 21:9 tới những màn hình có tỉ lệ dài kinh khủng như 32:9, 32:10. Những tỉ lệ dài như vậy thường phù hợp cho việc xem phim và giải trí bằng việc “hack map” trong Liên minh, Dota 2 hay những tựa game AAA bom tấn và các trò đua xe, còn để sử dụng cho các tác vụ thông thường thì 16:9 hay 16:10 là đủ rồi. Các kích cỡ của màn hình hiện nay có đủ từ các màn hình 15in tới 19in cũ, tới các màn hình có kích thước 20 trở lên với đủ loại độ phân giải từ FullHD tới 2K và 4K. Chiếc màn hình AOC Q32V3 là ví dụ tiêu chuẩn dành cho những game thủ thích lối chơi trải nghiệm.

Tần số quét
 

Tần số quét là số lần màn hình làm mới khung hình mỗi giây. Ví dụ như bạn đang chơi một trò chơi và máy tính của bạn xuất được 60fps, thì bạn sẽ cần một màn hình có tần số quét 60Hz để hiển thị đúng số khung hình đó. Điều tương tự cũng xảy ra với những tựa game có mức fps là 75 hoặc cao hơn, thì việc sử dụng màn hình có tần số quét cao lúc này sẽ cho bạn có được trải nghiệm mượt mà hơn rất nhiều và sẽ cho bạn lợi thế trong những tựa game có tính đối kháng cao như PUBG, CSGO,…

 

Công nghệ đồng bộ khung hình

Những màn hình gaming chất lượng cao thường tích hợp cả công nghệ đồng bộ khung hình, và hiện giờ chúng ta có 2 loại đó là G-Sync và FreeSync. Nếu các bạn đang sử dụng card màn hình của Nvidia thì chọn G-Sync còn nếu các bạn sử dụng card của AMD thì hãy chọn FreeSync. Các công nghệ này sẽ đồng bộ hình ảnh xuất ra màn hình từ GPU cho bạn những khung hình trọn vẹn, tránh hiện tượng bị xé hình.

 

Thời gian phản hồi

Thời gian phản hồi là khoảng thời gian mà các điểm ảnh cần để chuyển từ màu này sang màu khác, được tính bằng đơn vị mili giây (milliseconds, ms). Có 2 loại thời gian đáp ứng khác nhau đó là GtG và MPRT. Thông thường thì con số này càng thấp càng tốt, và đối với nhu cầu chơi game thì bạn nên chọn những màn hình có thời gian phản hồi từ 5ms trở xuống. Con số này càng thấp, hình ảnh hiện trên màn hình của bạn càng ít bị nhòe hoặc bị “bóng ma”.

 

Tấm nền

Hiện giờ các loại màn hình thường sử dụng 3 loại tấm nền đó là IPS (In-Plane Switching), TN (Twisted Negmatic) và VA (Vertical Alignment). IPS cho ra màu sắc chân thực nhất, có độ sáng và độ tương phản tốt và bạn có thể sử dụng những màn hình có tấm nền IPS ngay cả khi góc nhìn bị hẹp. Ví dụ điển hình là chiếc màn hình 27in Gigabyte G27F .

 TN thì thường có màu sắc khá là nhợt nhạt, độ tương phản cũng kém, nhưng bù lại tấm nền TN có thế mạnh đó là tần số quét và thời gian phản hồi cực kỳ tốt, và thường rẻ hơn hai loại tấm nền còn lại. Ví dụ như những chiếc màn hình gaming của BenQ thường được sử dụng rộng rãi trong các giải đấu chuyên nghiệp.

 

 Nếu các bạn muốn có một tấm nền kết hợp điểm mạnh của IPS và TN thì chúng ta sẽ có tấm nền VA. VA có độ tương phản tốt hơn TN nhưng không bằng IPS, có góc nhìn rộng như IPS nhưng tốc độ tần số quét không bằng TN. Một trong những màn hình sử dụng tấm nền VA tiêu biểu đó là G27FC từ Gigabyte.

Nếu các bạn để ý thì hai chiếc màn hình G27F và G27FC không khác gì nhau ngoại trừ chữ C, đó là ghi tắt của Curved, màn hình cong. Đây cũng là một điểm mạnh của những chiếc màn hình thể loại này. Một chiếc màn hình cong sẽ hạn chế bớt khoảng cách từ mắt của bạn tới tất cả các điểm ảnh trên màn hình, từ đó giúp cho bạn có một trải nghiệm chân thực hơn.

Nếu các bạn là game thủ chơi để giải trí nhẹ nhàng và vừa chơi vừa dùng màn hình để làm việc thì hãy chọn những màn hình có tấm nền IPS hoặc VA, còn nếu bạn là game thủ chơi để chiến thắng hoặc là tuyển thủ chuyên nghiệp thì hãy chọn các màn hình có tấm nền TN, dù màu sắc không quá tốt nhưng chính tần số quét cao và thời gian phản hồi của tấm nền TN sẽ là công cụ không thể thiếu cho chiến thắng của bạn.

Đó là những điều cơ bản về các thông số thường được chú ý nhiều nhất khi mọi người đi tìm chọn cho mình một màn hình để chơi game. Mình hy vọng các bạn sẽ xác định được và tìm được cho bản thân một chiếc màn hình ưng ý nhất, và nếu như các bạn vẫn chưa quyết định được thì hãy tới Tplab để có được trải nghiệm trực tiếp để có cảm nhận chính xác nhất các bạn nhé.