
Những cách giúp Laptop gaming của bạn bớt nóng trong những ngày hè
-
Người viết: Sebastian
/
Đối với những chiếc laptop gaming, nhiệt độ luôn là một vấn đề. Với GPU Geforce RTX của Nvidia và con chip của Intel được đặt trong bộ khung nhỏ bé của một chiếc laptop, không có gì ngạc nhiên khi chúng đạt đến mức nhiệt độ nóng chảy.
Laptop gaming của bạn có bị nóng khi bạn đang chơi game không ? Nếu có thì bài viết này đề cập đến một số mẹo và thủ thuật giúp cải thiện nhiệt độ của chiếc laptop yêu quí của bạn.

MSI GT76 Titan DT
Khi nói đến những chiếc laptop gaming có cấu hình mạnh nhất hiện nay, bạn có thể ngạc nhiên khi biết rằng linh kiện tỏa nhiệt nhiều nhất không phải là GPU - thành phần chịu trách nhiệm chính cho hiệu năng gaming, mà chính là CPU, thực sự là thứ chạy nóng nhất trên hầu hết những chiếc laptop gaming.
Lấy ví dụ, Intel Core i9-13900HX và 14900HX, những con chip được trang bị trong nhiều mẫu laptop gaming hàng đầu, không có gì lạ khi thấy chúng đạt đến giới hạn nhiệt 100 độ C và dao động trong phạm vi 90 độ C.

Các con chip này, giống như các chip dành cho máy tính để bàn, được thiết kế để chạy ở nhiệt độ cao nhằm đạt hiệu suất tối đa. Những con quái thú 24 nhân có xung nhịp cực cao này có ít không gian làm mát trong các không gian có kích thước nhỏ, do đó tất nhiên chúng sẽ chạy nóng hơn trên những chiếc máy tính để bàn tương đương.
Tất nhiên GPU cũng sử dụng rất nhiều điện năng và cũng tỏa nhiệt nhiều nhưng chúng không nóng bằng CPU. GPU RTX 4090 cực kỳ mạnh mẽ có nhiệt độ dao động tầm 70 đến giữa 80 độ C, tùy thuộc vào khả năng làm mát của laptop.
Thật may mắn, hiện nay trên thị trường có nhiều mẫu laptop gaming cao cấp sử dụng vapor chamber, thật nhiều quạt và nhiều heatsink. Kim loại lỏng độc đáo cũng có thể tạo ra sự khác biệt về nhiệt độ.
Một số mẫu laptop cao cấp, như Maingear ML-17 hay một số sản phẩm của Eluktronic thậm chí còn được trang bị tản nhiệt nước bên ngoài để giảm nhiệt độ trong thiết bị của chúng.
Mặc dù biết rằng laptop gaming cao cấp được thiết kế để chạy ở nhiệt độ cao, nhưng bạn vẫn có thể cảm thấy khó chịu khi chạm vào bàn phím và không khí nóng có thể khiến căn phòng của bạn không khác gì một phóng tắm hơi.
Mẹo số 1 : Tinh chỉnh cài đặt nguồn điện và quạt
Cách đầu tiên dễ dàng nhất là làm việc với các profile làm mát mặc định được đi kèm với laptop gaming của bạn. Bạn có thể tìm thấy những thứ này trong các phần mềm như Adrenalin của Alienware, Armory Crate của Asus...
Hai mục sẽ ảnh hưởng nhiều nhất hiệu suất tản nhiệt là cài đặt nguồn điện và cài đặt tốc độ quạt.

Nếu bạn tối đa hóa cài đặt nguồn điện, điều đó cũng đồng nghĩa với tốc độ quạt cao hơn. Tốc độ quạt cao sẽ giúp kiểm soát nhiệt độ, nhưng thật không may, điều đó cũng có nghĩa là bạn sẽ phải nghe thấy nhiều tiếng ồn lớn phát ra từ chiếc laptop gaming của mình.
Tinh chỉnh cài đặt nguồn tuy có hữu ích nhưng lại ảnh hưởng khá nhiều đến hiệu suất. Cấu hình Balance có sẵn trên hầu hết laptop Windows có thể giúp giữ mọi thứ ở mức trung bình giữa hiệu suất và nhiệt độ.
Nếu bạn không đeo tai nghe và nhận thấy quạt của chiêc laptop quá ồn, lúc này có thể bạn sẽ muốn giảm cài đặt tốc độ quạt xuống mức có thể chấp nhận được, ngay cả khi điều đó đồng nghĩa với việc chấp nhận laptop của bạn sẽ nóng hơn.

Hầu hết việc tùy chỉnh cấu hình nguồn điện chỉ đơn giản là giới hạn lượng điện năng mà CPU hoặc GPU có thể tiêu thụ,vì thế nhiệt độ cũng sẽ giảm theo. Mặc dù trên lỹ thuyết, điều này có mang lại hiệu quả, nhưng có thể bạn sẽ cần đến mẹo tiếp theo để đảm bảo chiếc laptop của bạn không bị mất đi quá nhiều hiệu năng.
Mẹo số 2: Sử dụng DLSS hoặc FSR
Nếu bạn cảm thấy khó tìm thấy sự cân bằng giữa tiếng ồn và hiệu năng chỉ thông qua cài đặt có sẵn trên Windows, lúc này bạn nên cân nhắc đến những cài đặt bên trong game có thể khiến chiếc laptop của bạn nóng hơn.

Cài đặt DLSS trong game Hogwarts Legacy
Nếu bạn không muốn phải hy sinh chất lượng đồ họa, hãy cân nhắc đến việc sử dụng DLSS 3 của Nvidia với tính năng frame-gen (Tạo khung hình). Công nghệ này trên những dòng laptop được trang bị RTX 40-series hiện đại, có thể giúp cắt giảm lượng điện tiêu thụ và nhiệt độ trong khi vẫn duy trì số fps ở mức cao.
Chất lượng đồ họa trong game vẫn tuyệt vời khi bật DLSS 3 ở cài đặt Balance, với khả năng tiết kiệm điện năng lớn khiến tính năng này trở nên đáng giá. Frame-gen thậm chí còn giúp nâng cao hiệu năng hơn nữa bên cạnh việc cắt giảm bớt lượng điện tiêu thụ. (Thật không may, công nghệ này hiện chỉ khả dụng đối với Nvidia RTX 40 series).
Tương tự như DLSS của Nvidia, AMD cũng có công nghệ FSR của riêng họ, có thể giúp tăng fps ở cài đặt nguồn điện thấp hơn. Công nghệ này khả dụng trên nhiều loại phần cứng vì nó không yêu cầu bất kỳ loại GPU nào để kích hoạt.
Mẹo số 3 : Giảm cài đặt đồ họa trong game
Bạn nên cân nhắc giảm cài đặt đồ họa từ Ultra xuống mức High. Sự khác biệt giữa hai mức setting này hầu như là không đáng kể. Hơn thế nữa, việc giảm bớt lượng texture phải render cũng mang đến nhiều lợi ích, nó cho phép bạn đạt được số fps cao hơn ngay cả khi ở mức cài đặt nguồn thấp.
Ray tracing và path tracing là những công nghệ rất thú vị nhưng chúng thực sự đòi hỏi rất nhiều năng lực tính toán. Hãy cân nhắc đến việc giảm chúng xuống mức thấp hoặc tắt luôn nó, điều này có thể giúp tăng hiệu suất của trò chơi và giảm đi tiếng ồn và nhiệt lượng đáng kể.
Một số mẫu laptop, chẳng hạn như Razer Blade 16, có thể dual boot ở độ phân giải 1080p hoặc 4K. Việc này cho phép tăng hiệu suất do lúc này số điểm ảnh đã giảm đi đáng kể, nhưng hãy nhớ rằng một khi độ phân giải thấp hơn sẽ tăng áp lực lên cho CPU nhiều hơn và tỏa ra nhiệt lượng nhiều hơn.
Mẹo số 4 : Sử dụng đế tản nhiệt
Khi sử dụng laptop, bạn nên đặt nó nằm trên bề mặt phẳng cứng và các lỗ thông hơi của nó không bị chặn. Luồng khí lưu thông là rất quan trọng để máy tính có thể tản nhiệt cho các linh kiện bên trong nó, lúc này sử dụng đế tản nhiệt sẽ rất hữu ích.
Đế tản nhiệt laptop không chỉ cung cấp một bề mặt phẳng cứng cho laptop mà còn có thể giúp tản nhiệt ra khỏi laptop và phân tán nhiệt, giảm thiểu nguy cơ làm máy quá nóng.

Razer Blade 16 với giá đỡ máy tính xách tay đơn giản để nhấc nó ra khỏi bàn.
Tuy nhiên cần phải lưu ý, không phải tất cả laptop điều giống nhau và việc bạn sử dụng một chiếc đế tản nhiệt tốt không có nghĩa là nó sẽ tốt cho laptop của bạn nếu nó không phù hợp.
Ví dụ như Razer Blade 16 chạy vẫn rất nóng khi đặt nó trên đế tản nhiệt công suất lớn như IETS GT500. Thay vào đó, sẽ tốt hơn nhiều nếu bạn chỉ cần kê nó cao hơn khỏi mặt bàn bằng một chiếc giá đỡ laptop.
Bạn thấy không ? Một chiếc giá đỡ laptop là tất cả những gì bạn cần để duy trì nhiêt độ cho chiếc laptop của mình. Nhưng nếu vẫn chưa đủ thì bạn nên thử qua những chiếc đế tản nhiệt chuyên dụng dành cho laptop.
Tuy nhiên, một số loại đế tản nhiệt có thể phát ra tiếng ồn khó chịu khi chỉnh quạt ở tốc độ cao. May mắn là tốc độ quạt của nó có thể điều chỉnh được nên bạn có thể tìm được sự cân bằng giữa nhiệt lượng và tiếng ồn của quạt.
Mẹo số 5 : Undervolt CPU/GPU của Laptop
Nhiều mẫu laptop giành cho dân chuyên còn có khả năng điều chỉnh được BIOS. Ngoài ra phần mềm XTU của Intel cũng cho phép bạn sửa đổi một số cài đặt nguồn điện liên quan đến CPU.
Tuy nhiên với những chiếc laptop thì những thay đổi này có vẻ khá khiêm tốn và một số thay đổi còn có thể dẫn đến sự mất ổn định của hệ thống. Tinh chỉnh BIOS là một kỹ thuật không đơn giản nên tôi không khuyến nghị cho những người mới sử dụng.
Nhưng nếu bạn là một người thích mày mò, vọc vạch, thì hãy thử bắt tay vào undervolt. Undervolt là một hình thức giảm điện áp của CPU hoặc GPU. Điều này khiến chúng hoạt động ít vất vả hơn, đánh đổi một chút hiệu năng để giảm lượng nhiệt sinh ra.
Undervolt được hỗ trợ bởi nhiều mẫu laptop, chẳng hạn như Asus ROG Strix 16. Nếu bạn không muốn can thiệp vào BIOS của laptop, bạn vẫn có thể thực hiện các tinh chỉnh tương tự bằng cách sử dụng bộ phần mềm của các nhà sản xuất laptop có thể được đi kèm với chiếc laptop của bạn.

Ép xung và undervolt CPU trong phần mềm Razer Synapse.
Asus thì có Armory Crate, một ứng dụng mà bản có thể cài đặt tinh chỉnh cho hiệu suất của GPU và CPU nếu bạn không muốn sử dụng cấu hình mặc định của Windows. Razer thì có phần mềm Razer Synapse, cung cấp nhiều cách khác nhau để điều chỉnh CPU và thêm vào các tùy chỉnh nếu bạn muốn điều chỉnh sâu hơn.
Mẹo số 6 : Thay keo tản nhiệt
Mẹo cuối cùng này chỉ dành cho những người có kinh nghiệm, những người không ngại mạo hiểm mở chiếc laptop của mình ra và mày mò bên trong.

Việc thay keo tản nhiệt mới có thể giúp giảm nhiệt độ trên cả CPU và GPU, đặc biệt nếu chiếc laptop của bạn đã có tuổi đời trên vài năm.
Hãy nhớ rằng, việc làm này mang lại khá nhiều rủi ro nên bạn hãy xem đó là phương sách cuối cùng nhé.
Lời kết
Nếu chiếc laptop gaming mạnh mẽ của bạn bị nóng khi chơi game, điều quan trọng là phải hiểu rằng nó được thiết kế theo cách đó. CPU và GPU ngày càng trở nên mạnh hơn nhờ vào việc sử dụng nhiều năng lượng hơn, chính vì vậy nhược điểm của chúng là nhiệt.
Nếu nó nóng đến mức gây khó chịu khi bạn sử dụng, những mẹo trên có thể làm giảm đáng kể lượng nhiệt sinh ra và tiếng ồn lớn của quạt. Từ việc điểu chỉnh cài đặt của trò chơi và BIOS cho đến đặt chiếc laptop của bạn lên đế tản nhiệt, đó là tất cả những cách mà bạn có thể làm được.
Cuối cùng, laptop gaming đương nhiên chạy nóng hơn máy tính để bàn gaming do tất cả công nghệ mạnh mẽ điều được nhổi nhét bên trong một không gian chật hẹp như vậy. Nếu nó vẫn chạy tốt thì cứ tiếp tục sử dụng và đừng quá lo lắng.